November 08, 2023
Áo chống nắng có giá cao có hiệu quả?


Mùa nắng nóng năm nay, bên cạnh các sản phẩm áo, váy, mũ, găng, khẩu trang chống nắng thông thường, trên thị trường còn xuất hiện các sản phẩm quần áo chống nắng nhập ngoại được quảng cáo chống được tia tử ngoại với chỉ số chống nắng lên tới UV100. Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn được quảng cáo thêm các tính năng kháng khuẩn, chống ẩm ướt, hôi…Dù bỏ ra 500 nghìn đồng tới gần 2 triệu đồng/chiếc áo hay mũ, găng tay, khẩu trang, cao gấp 4 lần so với các sản phẩm chống nắng thông thường nhưng nhiều chị em vẫn không khỏi lo lắng về chất lượng của sản phẩm.
Hiện chưa có sản phẩm nào có khả năng ngăn tia tử ngoại tới 90 – 100% như quảng cáo.
Theo ý kiến của một chuyên gia của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chức năng chống tia tử ngoại, chống khuẩn… có thể có trong sản phẩm theo hai hướng. Một là từ nguyên liệu để sản xuất sợi vải may áo, hai là xử lý hóa chất vào vải. Nếu theo hướng xử lý từ sợi vải thì nhà sản xuất sẽ cho hợp chất nano biến tính từ khi kéo sợi. Nếu ở hướng xử lý bằng hóa chất sau khi đã có nguyên liệu vải thì chức năng chống tia tử ngoại, chống khuẩn… chỉ qua vài chục lần giặt sẽ hết. Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, chuyên gia về công nghệ nano, khoa Vật lý ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), vải nano đúng là có khả năng chống nắng, phân hủy hóa chất độc hại, diệt khuẩn. Vải nano bao gồm hai loại là tẩm chất nano và sợi nano. Vải tẩm nano sẽ có độ bền kém do sau một thời gian sử dụng cũng như giặt, chất bột nano sẽ bị thôi ra khỏi bề mặt vải từ đó mất tác dụng chống nắng. Còn vải dệt nano sẽ bền hơn, chỉ khi sợi vải bị hỏng chất nano mới mất tác dụng. Tuy nhiên, loại này thường đắt hơn nhiều so với các dạng tẩm nano bột. Nếu là cơ sở làm ăn uy tín, dùng đúng chất liệu nano để tạo nên sản phẩm công nghệ cao thì họ sẽ công bố đầy đủ các yếu tố thành phần liên quan đến sản phẩm. Người mua nên kiểm tra áo có chất nano hay không bằng cách soi dưới ánh đèn tia cực tím (như đèn soi tiền giả), nếu có nano, vải sẽ phát sáng màu xanh vàng, còn không có nano, vải sẽ như bình thường.Đặc biệt lưu ý, có sản phẩm quảng cáo là có chứng nhận của Cục Bảo vệ an toàn bức xạ năng lượng nguyên tử Australia (ARPANSA) về chỉ số UPF (chỉ số chống nắng đối với vải vóc). Theo đó, các sản phẩm đa phần có chỉ số UPF 50+, với “tỷ lệ che UV” có thể đến 99,57%. Tuy nhiên các chuyên gia lại cho rằng, hiện chưa có sản phẩm nào có khả năng ngăn tia tử ngoại tới 90 – 100% như vậy. Về chứng nhận của ARPANSA chỉ số UPF, hiện tại chưa có sự công nhận chính thức của các cơ quan quản lý ở Việt Nam liên quan đến việc chứng nhận của ARPANSA. Ngay cả việc sản phẩm chưng ra giấy thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) là “lô hàng quần áo chống tia UV đáp ứng yêu cầu hàng hóa chất lượng nhập khẩu”, thì đó cũng là cách “lập lờ” của người bán. Bởi căn cứ để kiểm tra lô hàng là thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 5-11-2009 của Bộ Công Thương, tức lô hàng chỉ được kiểm tra về hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm, theo quy định nhập khẩu hàng dệt may mà thôi. Hoàn toàn không hề kiểm tra các tác dụng chống nắng.Bình thường ngay cả khi không phần da nào lộ ra ngoài thì chúng ta vẫn không “tránh được hết nắng” bởi tia UV trong nắng có thể xuyên qua các vật dụng che chắn. Lúc sáng sớm có tia nắng hoặc buổi trưa là thời điểm tia tử ngoại mạnh nhất, còn trời có mây thì tia tử ngoại bị hấp thụ nên không mạnh.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có độ dày, tỉ lệ cotton cao, vừa có tác dụng phòng chống tác hại của các tia tử ngoại vừa là chất liệu thông thoáng, giúp hạn chế dịch tiết trên bề mặt da, làm giảm khả năng tạo gốc tự do gây tổn thương tế bào da, khiến da nhanh bị lão hóa và tăng nguy cơ ung thư. Nên tránh mua những chiếc áo quá mỏng vì không những không có tác dụng mà thậm chí còn khiến da bắt nắng hơn. Đồng thời áo sáng màu sẽ phản chiếu bức xạ mặt trời. Không nên chọn màu tối, vì màu tối hấp thụ bức xạ nhiều hơn, không tốt cho sức khỏe.
Xuân Thanh